Tổ yến chưng đường phèn

Công thức chế biến

1. Giới thiệu món ăn

Tên món ăn: Tổ yến chưng đường phèn

Loại món ăn: Chè/Súp

Món ăn cho: 3 người lớn(Lưu ý: Khẩu phần của trẻ em chỉ bằng khoảng ½ của người lớn)

Thời gian chuẩn bị: 30 phút

Thời gian nấu: 30 phút

Tổng thời gian hoàn thành: 60 phút

2. Thành phần nguyên liệu

10g Bạch yến làm sạch/tinh chế (~ 1 tai yến)

300 - 350ml nước sạch

30g/~ 6 muỗng cà phê đường phèn hạt (được tặng kèm - Có thể thay đổi tùy khẩu vị người dùng)

3 - 4 sợi gừng (gừng lát cắt sợi)

3 - 6 quả táo tàu(tùy ý)

3. Dụng cụ nhà bếp

1 bếp ga/bếp điện

1 cái nồi nhôm/inox

1 thố chưng có nắp đậy. Nếu không có loại thố chưng này, có thể sử dụng chén lớn và màng bọc thực phẩm (loại chịu nhiệt độ cao - có ghi chú

trên bao bì màng bọc) để đậy kín miệng chén

3 bộ chén + muỗng dành cho người lớn

Lưu ý: Nồi cơm điện, lò vi sóng, nồi chưng yến: Vui lòng tham khảo chỉ dẫn của nhà sản xuất thiết bị.

4. Cách chế biến

Bước 1: Sơ chế tổ yến

Tổ yến có thể được sử dụng ngay khi lấy khỏi bao bì. Nếu bạn muốn rửa lại sản phẩm trước khi chế biến (có thể rửa lại hoặc không), bạn đặt sản phẩm lên 1 rây nhỏ và đặt dưới vòi nước chảy. Sau đó cho sản phẩm vào chén và ngâm mềm. Khi ngâm mềm tổ yến, bạn không nên chắt bỏ nước này, vì có thể làm hao hụt yến.

Bước 2: Ngâm tổ yến vào nước

Cho tai yến vào trong thố nước (300 - 350ml). Nước trong thố ngập qua chiều cao của miếng yến khoảng 2cm. Thời gian ngâm từ 20-30 phút. Lúc này, sợi yến ngậm nước sẽ nở to ra, khối lượng yến có khả năng tăng gấp 4-5 lần hoặc hơn nữa tùy từng loại yến. Sợi yến khi ngậm nước, màu sẽ nhạt hơn so với lúc khô, sợi yến nhìn thấy rõ trong nước. Lưu ý: không nên ngâm yến quá lâu, vì điều này làm sợi yến bị mềm, mất độ ngon của món ăn.

Bước 3: Chưng tổ yến

Cho thố yến đã ngâm mềm vào trong nồi nhôm/inox. Lượng nước trong nồi cao khoảng 1/3 chiều cao của thố yến.
Chưng tổ yến khoảng 20 - 30 phút. Lúc đầu nên cho lửa của bếp ở mức độ lớn để nước trong nồi được sôi lên, khi nước sôi, hạ nhỏ lửa để liu riu trong toàn bộ thời gian nấu. Lưu ý: Nên dùng thố sứ có nắp đậy, vì thố sứ giữ nhiệt tốt, nắp đậy làm nhiệt trong thố không bị hao hụt đi, yến trong thố sẽ nở được tối đa, và ngon nhất.

Sau khi chưng đủ thời gian cần thiết, yến sào đã chín, sợi yến nở đều, đặc. Sợi yến mềm nhưng vẫn giữ được độ dài, không bị nát hay tan ra nước. Đưa lên mũi ngửi có thoang thoảng mùi tanh giống lòng trắng trứng gà. Mùi tanh này chỉ có trong khoảng thời gian sau chế biến yến - khi món ăn còn nóng. Nếu món ăn đã nguội thì mùi này cũng giảm từ từ và mất đi. Hâm nóng lại món ăn, mùi tanh nhẹ này lại xuất hiện. Đây cũng là một trong những đặc điểm để phân biệt yến thật – yến giả.

Bước 4: Cho đường phèn vào

Sau khi tổ yến được chưng xong, cho đường phèn vào tùy theo khẩu vị của từng người. Có thể thêm gừng để chén yến thơm hơn và để ngừa trường hợp gây “lạnh bụng” ở vài trường hợp cá biệt.

5. Thời gian bảo quản

Bảo quản yến sào sau khi chưng (không dùng chất bảo quản): Trong điều kiện ở hộ gia đình bình thường, sản phẩm có thề giữ được tối đa đến 1 tuần nếu được bảo quản liên tục trong ngăn mát tủ lạnh ngay sau khi chưng xong, đậy kín, đảm bảo sạch sẽ, không nhiễm vi sinh vật, v.v. Tuy nhiên, nếu thấy nấm mốc thì bỏ ngay.

Chúc các bạn thực hiện thành công món “tổ yến chưng đường phèn”!

HỒNG YẾN


Zalo